Vị trí địa lý
Xã Hạ Giáp nằm ở phía Đông của huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Cách thành phố Việt Trì trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh 25km; cách trung tâm huyện Phù Ninh 10km.
Xã có tổng diện tích tự nhiên 680,63 ha. Gồm có 09 khu dân cư. Dân số toàn xã 4820 người (theo số liệu tính đến 30/06/2024).
- Phía đông giáp với Sông Lô.
- Phía tây giáp với xã Gia Thanh và xã Bảo Thanh.
- Phía nam giáp với xã Tiên Du.
- Phía bắc giáp với xã Trị Quận.
Lịch sử phát triển
Trải qua các thời kỳ lịch sử, địa danh và địa giới hành chính của xã đã nhiều lần thay đổi. Dưới thời Hùng Vương dựng nước, vùng đất Hạ Giáp thuộc đất của bộ Văn Lang - Bộ trung tâm của nước Văn Lang.
Thời nhà Trần, thuộc huyện Phù Ninh, đến thời nhà Nguyễn, đổi thành huyện Phù Khang, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây. Năm 1832, huyện Phù Khang chuyển về phủ Đoan Hùng, năm 1853 chuyển về phủ Lâm Thao; về mặt hành chính xã Hạ Giáp cũng chuyển theo.
Giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng lập ra các tỉnh địa bàn nhỏ hơn trước để dễ bề cai trị. Năm 1891, tỉnh Hưng Hóa được thành lập, huyện Phù Ninh được cắt từ tỉnh Sơn Tây sang tỉnh Hưng Hóa. Ngày 05 tháng 5 năm 1903, toàn quyền Đông Dương ký nghị định chuyển tỉnh Hưng Hóa lên làng Phú Thọ, thuộc tổng Yên Phú, huyện Sơn Vi và đổi tên thành tỉnh Phú Thọ. Xã Hạ Giáp nằm trong tổng Hạ Giáp, thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Tổng Hạ Giáp gồm 11 làng. Bao gồm: Hạ Giáp, Gia Thanh, Phú Nham, Tiên Du, Phú Lộc, Trung Giáp, Phú Long, Thanh Thúy, Thiềm Cung, Viên Minh, Bảo Đường. Làng Hạ Giáp có 06 xóm gồm: xóm Quỳnh, xóm Vĩnh, xóm Nội, xóm Ngoại, xóm Thạch Trung, xóm An Lãng, riêng Thiềm Cung là một xã chuyên sống bằng nghề chài lưới, ở ven bờ sông Lô sát với xóm Thạch Trung.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam mới thống nhất gọi các phủ, châu, huyện là huyện; bỏ cấp tổng, đổi tên làng thành xã, sáp nhập các xã nhỏ thành xã lớn. Xã Hạ Giáp sáp nhập với các xã Thiềm Cung và Trị Quận thành xã Dân Chủ. Xã Dân Chủ gồm 08 thôn: thôn Ninh Viên, thôn Phú Thịnh, thôn An Lãng, thôn Ngoại, thôn Thạch – Thiềm, thôn Nội, thôn Quỳnh, thôn Vĩnh.
Năm 1954, Sau khi hòa bình lập lại, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, xã Dân Chủ được chia thành 2 xã là: Dân Chủ và An Ninh. Xã Dân Chủ lúc này có 3 thôn: thôn Quỳnh, thôn Vĩnh, thôn Nội, các thôn còn lại thuộc về xã An Ninh (nay là xã Trị Quận).
Ngày 06 tháng 11 năm 1964, Bộ Nội Vụ ra quyết định số 292-QĐ/BNV về sửa đổi tên một số xã của tỉnh Phú Thọ. Theo quyết định này huyện Phù Ninh đổi tên 12 xã, trong đó xã Dân Chủ đổi tên thành xã Hạ Giáp.
Đầu năm 1968, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ sáp nhập thành tỉnh Vĩnh Phú. Xã Hạ Giáp thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Vĩnh Phú. Ngày 05 tháng 7 năm 1977, Hội đồng chính phủ ra Quyết định hai huyện Phù Ninh, Lâm Thao hợp nhất thành huyện Phong Châu. Xã Hạ Giáp thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú. Ngày 01 tháng 01 năm 1997, theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX, tỉnh Vĩnh Phú được tách làm 2 tỉnh: Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Xã Hạ Giáp thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ.
Thực hiện Nghị định số 59-NĐ/CP ngày 24 tháng 7 năm 1999 của Chính Phủ, huyện Phong Châu tách thành 2 huyện là Phù Ninh và Lâm Thao. Như vậy sau 22 năm hợp nhất, huyện Phù Ninh lại trở về tên gọi như xưa. Xã Hạ Giáp thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Xã Hạ Giáp nằm dọc theo bờ sông Lô có chiều dài 3km, địa hình của xã có thể phân ra hai vùng khác nhau. Vùng đất thấp bằng phẳng ở phía đông chạy dọc bên trong đê và ngoài bãi. Vùng đất phía tây, bao gồm các quả đồi, nhấp nhô cao thấp.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các thế hệ người dân Hạ Giáp luôn phát huy tinh thần đoàn kết, cần cù trong lao động, anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giàu lòng nhân hậu và tình yêu thương con người, đã xây đắp nên những truyền thống tốt đẹp của quê hương.